
“Xoay quanh việc chống phân bón giả, bảo vệ người nông dân và mùa màng”
Hàng năm, nhu cầu phân bón ở Việt Nam có khoảng trên 10 triệu tấn bao gồm các loại phân hữu cơ, phân vô cơ (phân hóa học) và phân vi sinh, bón lá. Thị trường lớn và chưa được kiểm soát chặt đã tạo điều kiện cho nhiều người cạnh tranh không lành mạnh giữa các công ty làm ăn chân chính với những công ty làm phân bón giả, kém chất lượng.
Thực trạng kinh doanh phân bón giả
Với lượng nhu cầu sử dụng phân bón khá lớn nên hiện nay, nước ta có khoảng 7.000 loại phân bón đang được lưu hành trên thị trường bao gồm cả phân bón trong nước và nhập khẩu. Việc này đã gây không ít khó khăn cho công tác quản lý, sản xuất, kinh doanh phân bón trước nhu cầu làm giả, làm nhái sản phẩm ngày càng trở nên tinh vi hơn bao giờ hết.

Toàn bộ số phân giả nhãn hiệu phân bón Đầu Trâu Bình Điền bị lực lượng chức năng thu giữ
Bộ Công Thương cho biết, chỉ tính riêng trong 10 tháng đầu năm 2016, lực lượng quản lý thị trường kiểm tra 4.891 vụ liên quan đến phân bón, xử lý 1.522 vụ vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính 61,42 tỷ đồng, tịch thu 20 tấn phân đạm nhập lậu, tiêu hủy 12,5 tấn phân bón NPK giả công hiệu sử dụng, 2,43 tấn phân bón quá hạn sử dụng, 7 tấn giả chất lượng, 25,75 tấn giả mạo nhãn hiệu, 496 kg phân bón vô cơ và phân bón lá, 1.600 bao bì giả mạo nhãn hiệu, 02 máy khâu bao bì, buộc tái chế 78,58 tấn phân bón kém chất lượng và 15,7 tấn phân bón các loại. Ngoài ra còn chuyển cơ quan điều tra 01 vụ hàng hóa giả mạo mã vạch của nước ngoài. Các năm qua có 63 công ty, tổ hợp sản xuất kinh doanh phân bón giả, phân bón kém chất lượng bán ra trên 48 tỉnh thành.
Nhiều đại lý phân bón giả, kém chất lượng không sản xuất tập trung quy mô lớn như trước mà chuyển sang sản xuất nhỏ lẻ, tinh vi hơn khi dùng cuốc xẻng để trộn phân bón… sản xuất vào ban đêm, các ngày nghỉ, không để hàng tồn kho; dùng gạch, đất, đá nghiền để pha trộn thành phân bón, sau đó đóng bao bì của các nhà sản xuất có thương hiệu để lừa người dân.
Và hàng loạt các doanh nghiệp khác như Công ty TNHH Việt Thái (Đồng Nai) vi phạm hàm lượng dinh dưỡng trong phân NPK (53%) khi kiểm định tổng hàm lượng dinh dưỡng chỉ có 7,2%. Thậm chí có những công ty kinh doanh phân bón không khác gì “đem bán đất cho nông dân” bởi hàm lượng dinh dưỡng trong phân quá gần 3%, có trường hợp chỉ có 1,9%, còn lại là toàn bột đá vôi…
Phân bón giả và những hệ lụy
Theo tính toán sơ bộ thì phân bón giả, kém chất lượng làm nước ta mất đi 2,6 tỷ USD/năm, chưa kể các tác động lâu dài cho các năm tiếp theo lên con người và xã hội.
Đầu tiên, phân bón giả kém chất lượng là những loại phân lân (NPK) bón vào gốc cây mà ba tháng sau vẫn thấy còn nguyên hạt, không thấy tan, làm cho cây trồng không sinh trưởng được, thúi rễ, vàng cháy lá và chết gây thiệt hại nặng nề về mùa màng, kinh tế của bà con nông dân.

Cây cà phê sẽ bị thối rễ, úng lá nếu sử dụng phân bón giả
Chưa kể thành phần của phân bón giả được trộn từ gạch, đất, đá hoặc chứa những chất độc hại, khi vun với đất trồng lâu ngày có thể làm hỏng kết cấu đất, làm ảnh hưởng tới chất lượng nông sản, đất trồng kém chất lượng và ô nhiễm môi trường. Cuối cùng, sản phẩm thu hoạch không đảm bảo chất lượng hoặc năng suất thấp kéo theo mất an toàn về vệ sinh thực phẩm, đe dọa trực tiếp tới sức khỏe con người.
PGS.TS Mai Thành Phụng – chuyên gia Nông nghiệp cho biết: “Phân bón giả có thể chứa kim loại nặng, chất kích thích độc hại, chất cấm, hàm lượng NO3 cao sẽ đi vào đất gây thiệt hại nghiêm trọng không thể tính bằng tiền. Những chất độc ấy ảnh hưởng đến sức khỏe con người gây ung thư, quái thai, dị tật.. kéo dài nhiều thế hệ”.
Không chỉ ảnh hưởng đến sản phẩm, kinh tế, sức khỏe mà phân bón giả cũng gây tác động đến niềm tin của người tiêu dùng Việt Nam lên chính sản phẩm Việt Nam và uy tín của thương hiệu trên thị trường quốc tế.
Phân bón hay được ví như là “thức ăn” mà con người bổ sung cho cây trồng. Trong phân bón chứa nhiều chất dinh dưỡng cần thiết cho sự sinh trưởng và phát triển của cây trồng, vì thế phân bón trở thành vật phẩm thiết yếu trong các hoạt động trồng trọt.
Người dân vì mong muốn một mùa vụ bội thu mà tìm tới phân bón để tăng năng suất. Tuy nhiên, tới cuối cùng lại gặp phải những loại phân bón kém chất lượng, cây trồng hư hại, năng suất bị ảnh hưởng nghiêm trọng, chưa kể thiệt hại còn kéo dài lâu bởi độc tính từ phân bón giả gây ra lên đất canh tác, lên chính sức khỏe của người nông dân, lên kinh tế của đất nước.
Minh Kha
Nguồn: Tổng hợp