Việt Nam là một đất nước nông nghiệp với nhiều mặt hàng nông sản có thế mạnh. Thế nhưng, sản phẩm nông sản của Việt Nam có thương hiệu trên thị trường quốc tế chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Nông sản Việt – vẫn chưa có tên tuổi trên thị trường thế giới
Việt Nam luôn đứng trong top đầu của thế giới về xuất khẩu nông sản nhưng phần lớn nông sản trong nước được xuất khẩu ở dạng thô, sau khi nhập về, các doanh nghiệp nước ngoài chế biến và sử dụng tên, thương hiệu của họ. Điều này làm giảm giá trị kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nông sản giảm đáng kể, gây thiệt hại cho nền kinh tế.
Các mặt hàng nông sản như gạo, cà phê, chè… khi tiến vào thị trường thế giới vẫn còn lệ thuộc rất nhiều từ các doanh nghiệp nước ngoài. Nguyên nhân chính vẫn là nhiều địa phương và doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa thấy rõ được tầm quan trọng của xây dựng thương hiệu. Các doanh nghiệp cũng không chú trọng đầu tư vào nông nghiệp, do phải đối mặt với nhiều rủi ro như thiên tai, dịch bệnh, giá cả, thị trường, vốn…
Tình trạng hàng nông sản Việt Nam không có thương hiệu hay phải ẩn dưới thương hiệu khác là phổ biến vì chỉ có khoảng 15% trong hơn 90.000 thương hiệu hàng hóa được đăng kí bảo hộ tại Việt nam (thống kê của Cục Sở hữu nông nghiệp). Bởi chưa có tên tuổi nên nhiều loại nông sản thiếu sức cạnh tranh khi ra thị trường lớn và nhanh chóng bị các doanh nghiệp nước ngoài thâu tóm.
Có thể so sánh đơn giản khi nhìn vào sự tham gia thị trường xuất khẩu gạo của Campuchia, tuy xuất khẩu muộn hơn rất nhiều so với chúng ta, nhưng đến nay đã trở thành nhà xuất khẩu thứ 5 thế giới và thương hiệu gạo Campuchia cũng có tên trên thị trường thế giới. Vì sao Campuchia lại nhanh hơn chúng ta – điều này chính do sự khác biệt trong cách làm thương hiệu.
Xây dựng thương hiệu cần thiết thực và cụ thể
Xây dựng thương hiệu không phải là vấn đề mới nhưng trên thực tế việc xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt hầu như vẫn nói nhiều hơn làm. Chúng ta hầu như vẫn chưa thoát khỏi tư duy sản xuất nhỏ, lẻ, manh mún từ trong cách làm thương hiệu, cách quản lý, sản xuất các mặt hàng nông sản.
Để nâng cao giá trị xuất khẩu nông sản, việc lựa chọn một số mặt hàng có thế mạnh để xây dựng thương hiệu, đáp ứng yêu cầu về khối lượng, chất lượng đồng đều, an toàn vệ sinh thực phẩm, với giá bán cạnh tranh được xem là hướng đi thích hợp trong bối cảnh hiện nay. Các doanh nghiệp đồng thời thực hiện đồng bộ các khâu từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ, đặc biệt là kiểm soát nguồn gốc, xuất xứ.
Bên cạnh đó, Nhà nước cũng cần hỗ trợ doanh nghiệp trong đăng ký bảo hộ, chỉ dẫn địa lý đối với sản phẩm nông sản để nâng cao giá trị sản phẩm và tạo sức cạnh tranh ở thị trường trong và ngoài nước.
Không chỉ vậy, chúng ta cũng cần tập trung xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt ngay tại thị trường nội địa để đưa vào hệ thống phân phối hiện đại và phát triển mạnh để tránh sự cạnh tranh từ nông sản nhập khẩu.
Xây dựng thương hiệu quốc gia từ góc nhìn xuất khẩu nông sản có lẽ còn nhiều khó khăn và thách thức nhưng cũng là con đường ngắn nhất mang Việt Nam ra thị trường thế giới.
Minh Kha tổng hợp