Việc hạ chi tiêu xuất khẩu gạo so với đầu năm cho thấy quốc gia xuất khẩu gạo thứ 3 Thế giới – Việt Nam đang đứng trước nhiều khó khăn trong khi Thái Lan vẫn giữ vững phong độ.
Thực trạng đáng buồn cho gạo Việt trong năm qua:
Đầu năm 2016, dựa vào tình hình xuất khẩu gạo và hợp đồng mà doanh nghiệp đã ký, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) đặt chỉ tiêu sản lượng xuất khẩu đạt mức 6,5 triệu tấn/năm. Nhưng tính đến thời điểm tháng 10/2016, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết: Tổng sản lượng lúa gạo xuất khấu tính đến tháng 10/2016 ước tính đạt 4,2 triệu tấn và 1,9 tỷ USD, giảm 21,2% về khối lượng và giảm 16,9% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái khiến VFA đã phải hạ chỉ tiêu xuất khẩu gạo xuống còn 5,65 triệu tấn.
Trong khi đó, Thái Lan vẫn giữ vững phong độ của quốc gia hàng đầu Đông Nam Á về xuất khẩu gạo. Minh chứng cụ thể, xuất khẩu gạo Thái Lan từ đầu năm tới nay đạt 6,57 triệu tấn. Thái Lan đã đặt mục tiêu xuất khẩu 9,5 triệu tấn gạo trong năm 2016. Hiện dự trữ gạo của nước này còn khoảng 8,4 triệu tấn gạo.
Đã vậy, nguồn cung từ một số địa phương vùng đồng bằng Sông Cửu Long tăng lên dẫn đến giá gạo giảm xuống. Lúa chất lượng có giá chưa đến 5.000 đồng/kg, có giống giảm tới 600 đồng/kg so với cùng kỳ năm 2015. Khoảng cách giá gạo Việt Nam và Thái Lan đang nới rộng trong bối cảnh tiêu thụ chậm, nhu cầu tiêu thụ ở Ấn Độ yếu khiến giá gạo nước này giảm nhẹ.
Vì sao gạo Việt Nam luôn gặp khó khăn ở đầu ra?
Thực trạng xuất khẩu gạo hiện nay của Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn, xuất phát từ những nguyên nhân cơ bản sau
Khó khăn trong mở rộng thị trường: các thị trường lớn của Việt Nam như Indonesia chưa có ý định tiếp tục nhập khẩu, Philippines tạm ngưng mở thầu cung cấp. Bên cạnh đó, thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất là Trung Quốc áp dụng chương trình giám sát chặt chẽ, kiểm duyệt chất lượng gắt gao gây bất lợi cho việc xuất khẩu gạo của Việt Nam.
Khó khăn trong kiểm soát quy trình quản lý chất lượng gạo: Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại – Bộ Công Thương (VITIC) vừa cho biết: 9 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo của Việt Nam sang thị trường Hoa Kỳ sụt giảm trên 30% về kim ngạch, do lượng gạo bị trả về quá nhiều vì dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt mức cho phép. Điều đáng nói là nhiều hoạt chất bảo vệ thực vật dù bị Mỹ cấm cửa nhưng vẫn được cho phép sử dụng tự do tại Việt Nam.
Từ năm 2013 đến tháng 8/2016, có khoảng 16 doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu gạo sang Mỹ bị trả về với tổng sản lượng gần 10.000 tấn (tương đương 412 container). Sự việc này khiến uy tín của lúa gạo Việt Nam bị ảnh hưởng nặng, có thể dẫn tới việc Mỹ cấm nhập khẩu lâu dài, thậm chí là cấm vĩnh viễn đối với gạo Việt Nam.
Tất cả biểu hiện trên đang cho thấy nông dân và doanh nghiệp Việt Nam đang chạy theo sản lượng và không chú trọng đến chất lượng hạt gạo.
Từ đồng ruộng: Người nông dân sản xuất tự phát, mạnh ai người nấy lo và “mù tịt” về thị trường. Thêm vào đó, Việt Nam chưa có tổ chức để gắn kết nhà nông với nhà nông thành hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới hoặc cụm liên kết nông nghiệp áp dụng kỹ thuật cao và gắn hợp tác xã nông nghiệp đó với doanh nghiệp thu mua.
Không những thế, gạo xuất khẩu Việt Nam được cho là không thuần nhất do: hiện tượng thụ phấn chéo giữa các cánh đồng liền kề gieo nhiều loại giống khác nhau; sau khi thu mua, lái buôn trộn lẫn các loại gạo có giá đắt – rẻ khác nhau để sinh lợi…
Đau đầu trong xây dựng giá trị thương hiệu của gạo Việt Nam: Tiêu chí gạo “sạch và an toàn” đang dần đánh sập uy tín gạo xuất khẩu của Việt Nam vì người nông dân không tuân thủ quy trình, quy định sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Ngay cả trong quá trình xử lý, bảo quản sau thu hoạch cũng gặp phải.
Khi xuất khẩu gạo cứ bị đẩy về, chất lượng bị chê là quá kém, giá trị thấp không chỉ khiến xuất khẩu khó khăn mà cuộc sống của người nông dân trồng lúa cũng lao đao, vất vả khôn cùng. Phải làm sao để có được gạo sạch, gạo an toàn để lấy lại được niềm tin về chất cũng như lượng của gạo Việt Nam.
Để khắc phục vấn đề này cần xem xét đến các yếu tố không pha tập giống, không sâu bệnh, không dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Các cơ quan quản lý nông nghiệp cần mạnh tay hơn, kiểm soát chặt chẽ hơn, đưa ra phương hướng phát triển ngành lúa gạo phát triển toàn diện về chất lượng, lấy lại niềm tin người tiêu dùng và đối tác trên thế giới.
Thu Thảo
Nguồn: Tổng hợp