Hiện nay, hàng loạt các giá sản phẩm nông nghiệp như gạo, tôm, cá, sản phẩm chăn nuôi…ngày càng xuống dốc trầm trọng trong những năm gần đây.
Đây chính là dấu hiệu cho chu kỳ khủng hoàng của ngành nông nghiệp Việt Nam.
2017 – một năm “đáng lo ngại” của nông sản Việt?
Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết xuất khẩu gạo tháng 1-2017 ước đạt 325.000 tấn với trị giá 136 triệu đô la Mỹ, giảm 32% về khối lượng và 35,1% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong khi đó, theo Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA), bối cảnh và dự báo xuất khẩu gạo trong năm 2017 tiềm ẩn nhiều yếu tố bất lợi hơn so với năm trước đó.
Cụ thể, nếu lượng hợp đồng xuất khẩu của năm 2015 chuyển sang năm 2016 đạt khoảng 1,3 triệu tấn, trong khi lượng gạo tồn kho chuyển sang khoảng 700.000 tấn, thì số lượng hợp đồng từ năm 2016 chuyển sang năm 2017 chỉ 547.000 tấn và lượng gạo tồn kho chuyển sang đến 990.000 tấn.
Rõ ràng, với lượng hợp đồng chuyển sang năm 2017 sụt giảm đến 753.000 tấn so với cùng kỳ năm trước, trong khi lượng gạo tồn kho tăng gần 300.000 tấn là một áp lực lớn, sẽ gây không ít khó khăn cho xuất khẩu gạo của Việt Nam trong những tháng đầu năm nay, thậm chí cả năm, nếu tình hình không được cải thiện trong thời gian tới.
Không riêng gì lúa gạo, thì trong năm nay giá các loại cá, tôm cũng sẽ giảm mạnh nguyên nhân do Úc cấm nhập tôm, siêu thị châu Âu ngưng bán cá tra, Hàn Quốc yêu cầu kiểm dịch với tôm… gây ra những rào cản mới nhất mà ngành thủy sản gặp phải trong đầu năm nay. Nguy cơ dẫn đến tình trạng cá, tôm không xuất khẩu được dư thừa tại thị trường nội địa dẫn đến giá cả giảm mạnh, ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình sản xuất cũng như xuất khẩu trong nước
Ngoài ra, Theo Rabobank, cà phê sẽ được dự đoán là một trong những mặt hàng giảm giá mạnh trong năm 2017. Mặc dù, trong năm 2016 cà phê đang là một trong những mặt hàng tăng giá mạnh nhất.
Theo Ban chỉ đạo thị trường nông nghiệp (Bộ NNPTNT), thị trường cà phê thế giới biến động giảm nhẹ, giá cà phê Robusta kỳ hạn giao tháng 1.2017 giảm 6 USD/tấn xuống còn 2.026 USD/tấn.
Được biết, nguyên nhân giá cà phê giảm do thông tin thời tiết thuận lợi tại nhà sản xuất cà phê hàng đầu thế giới là Brazil và dự báo nguồn cung cà phê của Việt Nam tăng lên trong tháng 12/2016 do nông dân Việt Nam đang tăng tốc kết thúc vụ thu hoạch.
Được biết, nguyên nhân giá cà phê giảm do thông tin thời tiết thuận lợi tại nhà sản xuất cà phê hàng đầu thế giới là Brazil. Hãng môi giới hàng hóa Marex Spectron dự báo cà phê Arabica thặng dư 5,8 triệu bao sẽ bù đắp cho lượng thiếu hụt 5,6 triệu bao Robusta trong vụ 2016-2017. Hãng này đã dự báo thặng dư cà phê toàn cầu vụ 2016-2017 ở mức 0,3 triệu bao (loại 60kg) so với mức thâm hụt 2 triệu bao vụ 2015/2016.
Bên cạnh những sản phẩm nói trên thì năm 2017 sẽ là năm khó khăn cho hồ tiêu. Hiện giá hồ tiêu trên thị trường liên tục giảm mạnh và đang ở mức dưới 140.000 đồng/kg, giảm 20% so với thời điểm giữa năm 2016 và bằng mức giá của tháng 8/2011.
Theo VPA, sản lượng hiện nay cho thấy cung vượt cầu, tồn kho hồ tiêu trong dân còn, nhu cầu tiêu dùng thế giới gần bão hòa. Giá vào vụ của Brazil và Indonesia với lượng khá tốt nên rẻ hơn hồ tiêu Việt Nam, hai thị trường này cung ứng khoảng 70.000 tấn. Đây chính là giai đoạn thử thách thực sự về tâm lý và khả năng, cũng như niềm tin của người trồng hồ tiêu sau nhiều năm có ít nhiều kinh nghiệm trong việc giúp giữ và duy trì giá ở mức cao.
Giải pháp nào cho nông nghiệp Việt Nam
Đầu tháng 2/2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn nút khởi động sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tại tỉnh Hà Nam và đặt ra các bài toán về phát triển lĩnh vực nông nghiệp quan trọng.
Lời giải bài toán khủng hoảng nông nghiệp được Thủ tướng quan tâm với những nội dung mang tính cải tiến. Thủ tướng khuyến khích khởi nghiệp trong nông nghiệp, áp dụng điện toán đám mây vào nông nghiệp để có một nền nông nghiệp thông minh ở Việt Nam.
Bên cạnh đó, mở rộng hạn điền trong nông nghiệp, tích tụ ruộng đất mạnh mẽ hơn. Chuyển giao khoa học công nghệ mạnh mẽ vào nông nghiệp. Phải có vốn cho nông nghiệp công nghệ cao.
Ngoài ra, nguồn nhân lực từ nông dân để làm nông nghiệp công nghệ cao phải được tập trung đầu tư phát triển, không để tồn tại mãi hình ảnh “con trâu đi trước cái cày theo sau”. Mở rộng thị trường, nâng cao chất lượng mẫu mã, bao bì, xây dựng thương hiệu, áp dụng thương mại điện tử trong tiêu thụ nông sản.
Phải chuyển sang thực hành sản xuất nông nghiệp tri thức, có hiệu quả kinh tế theo quy mô và theo chuỗi giá trị, cách thức sản xuất nông nghiệp phải thay đổi rất lớn.
Phải đổi mới mạnh mẽ vai trò của Nhà nước trong các quy định cũng như trên thực tế theo phương châm “tăng kiến tạo, giảm chỉ đạo”. “Chúng ta phải thay đổi trên thực tế, bởi vì có rất nhiều văn bản đưa ra, nhưng trên thực tế không đi vào cuộc sống được, không tạo được sự thay đổi cần thiết”.
Muốn đổi mới nông nghiệp cần phải cải cách sâu rộng trong toàn bộ nền kinh tế, bởi trong nội bộ ngành không đủ giải quyết được vấn đề, đặc biệt vấn đề đất đai.
Vai trò và điều kiện hoạt động của các doanh nghiệp, các ngân hàng cũng rất cần Nhà nước tạo ra môi trường kinh doanh tốt hơn để khuyến khích doanh nghiệp tham gia cũng như giúp nông dân chủ động hơn trong sản xuất.
Bên cạnh đó, nông dân và doanh nghiệp cần đề cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp, quản lí, xử phạt nghiêm ngặt thực trạng sản phẩm bẩn, kém chất lượng, dư thừa lượng chất bảo vệ thực vật, chất gây hại cho sức khỏe con người. Đặc biệt, quan tâm đến làm sao để sản phẩm nông nghiệp luôn đảm bảo được các tiêu chí mà các đối tác nhập khẩu sản phẩm nông nghiệp nước ta, nhằm nâng cao vị thế , sự tin tưởng của khách hàng.
Vấn đề phân cấp và phối hợp của chính quyền các cấp cũng cần thay đổi. “Ở chúng ta có căn bệnh bộ máy chính quyền đông, rộng lớn, nhưng thiếu sự phối hợp giữa các cơ quan với nhau và ngay sự phân cấp nhiều khi cũng bất cập, không hợp lý”.
Thu Thảo
Tổng hợp