
Thay đổi tư duy sản xuất, kiểm soát chất lượng đầu vào chặt chẽ cũng như nhận thức được vai trò quan trọng của thương hiệu đối với sản phẩm là những bước đi cơ bản nhất để gia tăng giá trị thương hiệu nông sản Việt trên trường quốc tế.
Việt Nam là quốc gia có lượng xuất khấu nông sản thuộc hàng top đầu thế giới. Tuy nhiên, những sản phẩm nông sản xuất khẩu mang thương hiệu Việt lại thiếu trầm trọng.
Việc xây dựng thương hiệu mang giá trị toàn cầu cho các sản phẩm nông sản không phải dễ, điều này đặt ra một thách thức cho sự phát triển của nền xuất khẩu nông nghiệp Việt Nam đặc biệt là trong bối cảnh nền kinh tế hội nhập sâu và rộng hiện nay.
Vấn đề nằm trong ý thức “tự chủ” trong xây dựng thương hiệu
Theo Cục Sở hữu công nghiệp (Bộ Khoa học và Công nghệ), hơn 80% hàng nông sản Việt bán ra thị trường thế giới nhưng mang thương hiệu nước ngoài. Không chỉ thị trường thế giới mà ngay tại thị trường trong nước, cũng có trên 80% sản phẩm nông sản được tiêu thụ mà không có nhãn hiệu. Thực trạng này gây khó khăn rất nhiều tới vấn đề sản xuất và tiêu thụ nông sản.
Mặc dù nước ta có những sản phẩm nông sản xuất khẩu nhất nhì thế giới nhưng lại chẳng có thương hiệu nào trong các sản phẩm xuất khẩu ấy có sự nhận biết trên thị trường nước ngoài. Vậy nguyên nhân do đâu?
Theo các chuyên gia đánh giá, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa có cái nhìn đúng đắn về tầm quan trọng của thương hiệu đến giá trị sản phẩm cho nên ý thức về việc xây dựng vẫn chưa cao. Chỉ có 4,2% doanh nghiệp cho rằng, thương hiệu là vũ khí trong cạnh tranh; 5,4% cho rằng thương hiệu là tài sản của doanh nghiệp; chỉ có 30% doanh nghiệp cho rằng thương hiệu sẽ giúp bán hàng được giá cao hơn và đem lại tự hào cho người tiêu dùng.
Việc chưa nhận thức đầy đủ về thương hiệu dẫn đến thiếu chiến lược, thiếu sự đầu tư chuyên sâu cũng như thiếu tính chuyên nghiệp trong xây dựng uy tín thương hiệu.
Nhận diện chiến lược đầu tư chiều sâu để có sản phẩm cuối
Tuy có lượng xuất khẩu nông sản cao nhưng đa phần chúng ta xuất khẩu theo dạng thô, 90% sản phẩm Việt Nam vào thị trường Thế Giới thông qua trung gian, sau đó các doanh nghiệp nước ngoài chế biến và để dưới tên thương hiệu của họ, điều này gây ra sự chênh lệch rất lớn giữa sản lượng và giá trị sản phẩm, đồng thời đánh mất đi cơ hội cạnh tranh trên thị trường nước ngoài của thương hiệu nông sản Việt.
Đôi khi, người mua chỉ biết đó là hàng xuất xứ từ Việt Nam chứ không biết cụ thể một tên doanh nghiệp nào, chưa kể một số sản phẩm có thương hiệu lại được các doanh nghiệp nước ngoài đăng kí bản quyền trên nước họ, từ đó các doanh nghiệp mất đi cơ hội xây dựng và phát triển chính thương hiệu mình ở thị trường nước ngoài.
Ngoài ra còn rất nhiều khó khăn khác như vốn, chất lượng sản phẩm, chính sách – thủ tục, nguồn nhân lực, chiến lược…đã và đang cản trở việc xây dựng và phát triển thương hiệu nông sản Việt không chỉ ra thị trường thế giới mà còn chính trong thị trường nội địa.
Đi tìm giá trị thương hiệu cho nông sản Việt
Để nâng cao giá trị xuất khẩu, chúng ta phải quan tâm đầu tư cho khâu chế biến và xây dựng thương hiệu một cách bài bản. Việc chưa chú trọng chế biến mà quan tâm quá mức tới sản lượng đã gây ra sự thiệt hại lớn cho nông sản Việt Nam trong nhiều năm.
Ví dụ 1 kg cà phê sơ chế chúng ta bán với giá khoảng 2 USD/kg, nhưng khi đã qua chế biến sâu, mức giá tăng lên tới 7 USD/ly. Đồng thời, doanh nghiệp cần quan tâm hơn đến chất lượng sản phẩm để không làm mất đi uy tín của thương hiệu.
Chúng ta cũng nên thay đổi tư duy sản xuất nhỏ lẻ trong cách làm thương hiệu, cách quản lý, sản xuất những mặt hàng nông sản. Các doanh nghiệp nên chủ động liên kết để tạo dựng nên thương hiệu của mình đủ mạnh và bền. Đầu tư khoa học – công nghệ từng bước hạn chế xuất khẩu thô, chuyển dần sang chế biến tinh nhằm nâng cao giá trị sản phẩm…
Xây dựng thương hiệu toàn cầu cho các sản phẩm nông sản Việt Nam không phải là vấn đề có thể giải quyết một sớm một chiều khi những “thói quen” trong sản xuất và xuất khẩu đã tồn tại một khoảng thời gian dài, khi một số doanh nghiệp vẫn chưa nhận thức hết được gía trị của thương hiệu và khi thương hiệu vẫn còn bị ràng buộc rất nhiều bởi các vấn đề liên quan.
Thách thức nhiều nhưng cơ hội mở ra cũng không ít, nhất là khi Việt Nam đã gia nhập các tổ chức thương mại kinh tế, các hiệp định được kí kết sẽ giúp ích rất nhiều cho các doanh nghiệp đủ bản lĩnh, đủ hành trang mang thương hiệu nông sản Việt ra thế giới.
Quỳnh Như
Nguồn: Tổng hợp