Các thương hiệu nên quên quảng cáo truyền thống đi nếu họ muốn tiếp cận người tiêu dùng Gen Z.
Theo khảo sát từ Bulbshare, 99% người tiêu dùng gen Z sẽ ấn nút skip quảng cáo ngay khi có thể, và gần 2/3 (63%) trong số những người tham gia sử dụng ứng dụng chặn quảng cáo để tránh né quảng cáo online.
Thái độ “chê” mạnh mẽ này đến từ việc họ cảm thấy bị “ngộp” bởi số lượng quảng cáo mà họ phải thấy hằng ngày. Bản báo cáo cho thấy gần 3/4 (74%) người tiêu dùng gen Z cảm thấy họ như thể bị “dội bom” bởi quảng cáo ở mọi nơi, và số người cảm thấy khó chịu với quảng cáo cũng có tỷ lệ tương tự. Cứ có 4 gen Z thì sẽ có một người thấy quảng cáo cực kỳ phiền toái, trong khi một nửa gen Z cho rằng quảng cáo khá là quấy rầy cuộc sống của họ.
“Những quảng cáo tốt nhất thường là những quảng cáo quấy rầy nhất,” Matt Hay, nhà sáng lập kiêm CEO của Bulbshare cho biết. “Tính chất của quảng cáo là khiến cho người xem khó bỏ qua được chúng. Nhưng ngày nay thương hiệu đang đối mặt với nguy cơ trở nên mờ nhạt giữa quá nhiều quảng cáo ồn ào và phiền nhiễu.”
Khoảng một thập kỉ trở lại đây, các thương hiệu cũng đang dần sử dụng thêm influencer marketing để bổ trợ cho các quảng cáo truyền thông. Nhưng giờ đây người tiêu dùng cũng đang càng ngày càng thiếu niềm tin đối với những lần hợp tác những giữa thương hiệu lớn và người nổi tiếng.
Khảo sát của Bulbshare cho thấy 84% người tiêu dùng Gen Z đã không còn tin tưởng người nổi tiếng. Không ngạc nhiên gì khi thay vào đó, họ thường mua sắm dựa trên những lời giới thiệu “chính chủ”. Có tới 86% người cho biết họ sẽ mua hàng dựa trên lời giới thiệu của bạn bè thay vì một ngôi sao được trả tiền để quảng cáo.
“Sự mong muốn những giá trị thật này buộc thương hiệu phải tìm cách để tạo ra những sản phẩm khiến người dùng muốn gợi ý nó cho người khác, đồng thời xây dựng những cộng đồng để khuyến khích những gợi ý đó,” Hay nói. “Người tiêu dùng Gen Z thật sự cần điều này. Khoảng 3/4 (74%) sẽ khen ngợi một sản phẩm mà họ thật sự quan tâm trên mạng xã hội. Hơn thế nữa, tận 88% bảo rằng họ muốn hợp tác với thương hiệu và 76% thích review sản phẩm.
“Trong một thế giới nơi 81% người tiêu dùng tin tưởng những ý kiến thật thay cho quảng cáo, sẽ hợp lý hơn nếu thương hiệu tạo điều kiện cho người tiêu dùng tự nguyện quảng bá sản phẩm đó thay vì bỏ hàng đống tiền cho một quảng cáo có khả năng cao sẽ bị phớt lờ hoặc gây khó chịu.”
Các thương hiệu thời trang nhanh là một ví dụ rất tốt cho chiến lược này qua việc liên tục xây dựng cộng đồng trên mạng xã hội của họ suốt nhiều năm qua. Như hãng thời trang Nova đã tận dụng hashtag #novababe trên các trang mạng xã hội để đăng tải hình ảnh các influencer mặc trang phục của hãng, và khuyến khích các khách hàng cũng sử dụng hashtag này để khoe trang phục. Điều này đã tạo ra hiệu ứng FOMO (Fear of Missing Out – sợ bỏ lỡ trend nào đó) cho khách hàng, đặc biệt là các Gen Z vốn nhạy cảm với trend mạng xã hội, và họ nhanh chóng tag Nova vào mỗi trang phục mà họ đăng tải. Sau đó, thương hiệu sẽ chia sẻ các hình ảnh này lên các trang social và website của mình, đảm bảo khách hàng khác luôn có thể nhìn thấy những nội dung ấy. Điều này vừa để tăng uy tín cho sản phẩm của thương hiệu, vừa giúp truyền cảm hứng cho các khách hàng khác trở thành influencer kế tiếp.
Làm thế nào để khiến khách hàng tự quảng cáo cho sản phẩm?
Điều kiện tiên quyết là phải hiểu được điều gì thúc đẩy họ làm điều đó, và đáp ứng được những nhu cầu của họ. Những nhu cầu này có thể được phân loại thành năm tầng, với thứ tự được xếp theo mức độ quảng bá của họ. Khi khách hàng đó quảng bá càng nhiều, họ nên càng có các ưu đãi đặc quyền để tiến đến các tầng cao hơn.
- Tầng đầu tiên: Phần thưởng. Khi có người lần đầu đăng đánh giá tốt về sản phẩm của bạn, bạn có thể tặng họ những món quà nhỏ như phiếu quà tặng hoặc giảm giá cho lần sau. Điều này sẽ khiến họ có thiện cảm với thương hiệu, có khả năng sẽ quay lại nhiều hơn và tiếp tục chia sẻ những trải nghiệm tốt của mình
- Tầng thứ hai: Công nhận. Khi người đó tiếp tục chia sẻ review tốt, hãy công nhận và bày tỏ sự cảm kích trước bằng cách đăng bài cảm ơn công khai, hoặc gửi tin nhắn riêng cho họ
- Tầng thứ ba: Tạo cảm giác quyền lực. Khiến khách hàng cảm thấy họ quan trọng và được lắng nghe bằng cách hỏi ý kiến của họ về sản phẩm. Tiếp thu và sửa đổi những ý kiến hay của họ để khiến họ cảm thấy mình có thể đóng góp cho sản phẩm như thể họ là một phần của thương hiệu
- Tầng thứ tư: Trải nghiệm VIP. Đối với những khách hàng đóng góp nhiều và tích cực nhất, bạn nên cho họ những trải nghiệm đặc quyền, như vé mời tham dự sự kiện đặc biệt hay thăm quan trụ sở
- Tầng thứ năm: Influencer. Rất ít người tiêu dùng nào có thể đạt đến tầng này. Họ là những người đóng góp nhiệt tình nhất, hoàn toàn tin tưởng vào thương hiệu và có một lượng người theo dõi sẵn sàng nghe họ nói về sản phẩm của bạn. Những điều bạn cần làm bây giờ là biến họ trở thành influencer của lĩnh vực đó, xem họ như một cố vấn và họ sẽ liên tục quay lại
Tóm lại, để tiếp cận khách hàng gen Z, đừng tốn nhiều tiền để chạy quảng cáo trên mọi nền tảng hay cộng tác với người nổi tiếng. Thay vào đó, hãy khiến họ tự nguyện quảng bá sản phẩm bằng các chính sách khuyến khích, giúp họ nhận ra việc này sẽ có lợi cho họ như thế nào. Bằng cách tận dụng tầng nhu cầu phía trên, marketer có thể tạo ra một chiến lược phù hợp với thương hiệu của mình. Không thương hiệu nào giống nhau hoàn toàn nên đừng cố bắt chước người khác, nhưng bạn có thể học hỏi các cách làm sẵn có và thay đổi, điều chỉnh sao cho phù hợp hơn. Cuối cùng, hãy nhớ rằng Gen Z là một thế hệ yêu thích sự mới mẻ và tính xác thực, nên đừng ngại ngần thử nghiệm những điều mới và cho họ thấy cá tính của thương hiệu của mình.
Theo MarketingTech, Influitive, Entrepreneur